 |
Đoàn viên thanh niên trường THPT Giồng Riềng dâng hương trước tượng đài AHLLVTND Mai Thị Nương |
|
Sống trên mảnh đất nóng bỏng của chiến tranh, ngay từ nhỏ, Hồng Hạnh đã chứng kiến biết bao tội ác của bọn cướp và bọn bán nước đối với Nhân dân ta. Năm 14 tuổi, Hồng Hạnh quyết định giấu cha mẹ, anh, chị để tham gia hoạt động cách mạng. Do được tiếp xúc thường xuyên với cán bộ lui tới gia đình, Chị đã được đồng chí Nguyễn Văn Bớt (Tư Thắng) giao nhiệm vụ đội viên quân báo. Từ đó, Hồng Hạnh thường xuyên nắm tình hình bọn địch đi càn, để báo cáo cho cán bộ và cơ sở cách mạng kịp thời đối phó và Chị cũng được đồng chí Lê Văn Vĩnh (bí danh Ba Trấn ), Bí thư xã Thạnh Hòa giao nhiệm vụ canh gác cho cán bộ hội họp và đưa thư, tài liệu… Nhiệm vụ nào Chị cũng hoàn thành xuất sắc. Với thành tích và phẩm chất vững vàng, tháng 6/1958, Hồng Hạnh được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Cũng từ đó, Chị được tổ chức phân công, chịu trách nhiệm tổ chức một đội vũ trang diệt ác bí mật ở đồn Cò Tuất. Thực hiện chủ trương của Chi bộ, Hồng Hạnh đã tổ chức vũ trang diệt ác, dụ những tên tề điệp ác ôn cho ăn nhậu, rồi bắt cóc đem ra ngoài hỏi tội, tên nào có nhiều nợ máu thì phải đền tội (như tên ác ôn Nước và một số tên khác), còn tên nào ít nợ máu thì giáo dục răn đe rồi thả. Từ đó, bọn này cũng bớt hung hăng, càn quấy, lộng hành.
Đầu năm 1959, một hôm đi trên đường công tác từ ấp Thạnh Bình qua Sóc Mò Om, về kinh Cai Chương, Hồng Hạnh bị địch phục kích bắt, chúng đem Chị về Kiên Bình để điều tra. Chị đã khôn khéo một mực không khai gì và Chị nói với bọn chúng là Chị bị gia đình ép gã lấy chồng nên phải trốn nhà đi. Trước thái độ bình tỉnh, cứng cỏi trước sau như một của Chị, nên bọn địch phải thả Chị về. Sau lần bị bắt đó, tổ chức quyết định rút Chị vào hoạt động bí mật, Chị được phân công, trực tiếp phụ trách Đội vũ trang diệt ác với chức vụ Đội trưởng đội vũ trang kiêm Bí thư chi đoàn xã Thạnh Hòa. Với cương vị mới, Chị càng tích cực để đáp ứng lòng tin của Đảng.
Đầu tháng 9/1960, Hồng Hạnh đang cùng với Đội vũ trang họp bàn kế hoạch tổ chức diệt ác, thì bị bọn biệt kích do tên Võ Văn Sang cầm đầu, bí mật bao vây và bất ngờ ập vào nơi các Chị đang họp. Hồng Hạnh cùng Đội vũ trang đánh trả lại quyết liệt bằng lựu đạn và vũ khí thô sơ, làm cho 02 tên địch bị thương. Biết lực lượng và vũ khí của ta không đủ để chống cự lại bọn chúng, Chị ra lệnh cho đồng đội rút lui, còn đồng chí chạy ra đồng đánh lạc hướng bọn chúng; bọn địch thấy Chị, bèn lo đuổi bắt nên toàn bộ đồng đội rút an toàn. Cuối cùng Chị bị địch bắt sống. Sau khi bị bắt, Hồng Hạnh được chúng đưa về Chi khu Kiên Bình và giam trong hầm tối. Hầm này chúng xây ngầm dưới nền nhà của Chi khu. Hôm sau, chúng bắt đầu khai thác, lúc đầu chúng dùng thủ đoạn dụ dỗ ngon ngọt, để khai thác Chị khai báo nhưng vẫn không nhận được một lời khai nào của Chị. Chúng tức giận đấm đá Chị túi bụi, vẫn không lấy được một lời khai nào, rồi chúng đổ nước xà bông lên người, kẹp điện vào hai đầu vú Chị…Nhưng vẫn không khai thác được gì ở Chị.
Sau hơn một tháng tra tấn, nhục hình, chúng không khai thác được gì. Trước thái độ bình tĩnh, hiên ngang của Hồng Hạnh, bọn giặc biết sẽ không khai thác, không thể nào làm lay chuyển được tinh thần người Cộng sản. Cuối cùng bọn chúng giết hại Chị bằng cách vô cùng man rợ.
Ngày 12/10/1960, chúng dẫn Hồng Hạnh lên đồng cảnh sát Chi khu Kiên Bình (Giồng Riềng). Chúng đóng cọc rồi trói căng hai tay, hai chân của Chị xuống nền nhà. Rồi chúng đặt chảo mỡ đang sôi bên cạnh Chị để áp đảo tinh thần và bắt đầu tra khảo. Tên ác ôn Võ Văn Sang hầm hừ nói: “Lần này nếu không khai, tao ăn thịt mầy”. Tên Sang và đồng bọn của chúng vẫn thường moi gan, móc mật, ăn thịt người. Hồng Hạnh vẫn hiên ngang, tỉnh táo nói thẳng vào mặt chúng: “Tao đi làm cách mạng để phục vụ nhân dân và tổ quốc tao, chẳng may tao sa vào tay bọn bây, tao là Đảng viên Cộng sản thà chết chứ không chịu đầu hàng”. Tên ác ôn Sang cay cú, lồng lộn như con thú dữ, giạt dao nhảy tới thẻo vú, thẻo bắp đùi, thẻo lỗ tai của chị quăng vào chảo mỡ đang xôi, rồi chúng cùng đồng bọn với nhau ăn nhậu. Hồng Hạnh không ngớt lời chửi mắng bọn chúng rồi ngất đi. Lúc Chị tỉnh dậy, tên Quận trưởng giở trò dụ dỗ ngọt ngào: “Cô chỉ cần nói vài lời, tôi sẽ cho cô đi Mỹ, thân thể lại khôi phục đẹp đẽ như xưa”. Chị tỏ vẻ khinh bỉ và nói thẳng với tên Quận trưởng rằng: “Người Cộng sản không biết phản bội Đảng, phản bội đồng bào mình. Tao chết đi sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người khác đứng lên tiêu diệt bọn bay”, và Chị hô to khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”. Kẻ thù bất lực như lũ quỷ sa tăng, tên Sang nhảy tới đâm Hồng Hạnh và bọn chúng đè chị mổ bụng moi gan, lấy mật. Phút cuối cùng, chị còn gắng gượng dậy phun nước bọt vào mặt tên ác ôn và bọn địch. Bọn giặc chặt thi thể của chị ra từng bộ phận rồi quăng xuống sông. Hồng Hạnh ngã xuống trước sự chứng kiến của hàng chục vợ lính, họ khiếp sợ và kính phục; họ đã loan tin cho cả chợ Giồng Riềng đều xúc động, thương tiếc. Tin Hồng Hạnh hy sinh mau chóng được lan truyền trong nhân dân các vùng lân cận. Đồng chí, đồng bào vô cùng thương tiếc, kính phục một con người trung hiếu, một Đảng viên kiên trung tiết liệt.
Đồng chí Hồng Hạnh đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất quê hương thân yêu và cũng từ ấy, ngọn lửa đấu tranh của hàng ngàn, hàng vạn đồng bào, của phụ nữ bùng lên mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn. Sau đó, tên Võ Văn Sang cùng Đại đội bảo an địch phải đền tội trước mũi súng của nhân dân Giồng Riềng và Tiểu đoàn 207 của ta. Cũng từ đó, mở ra một khí thế cách mạng mới cho nhân dân cả vùng. Chị Hồng Hạnh xứng đáng là biểu tượng bất khuất, anh hùng tuyệt vời của phụ nữ Kiên Giang. Chị đã được Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sự hy sinh anh dũng, kiên cường của Chị đã thể hiện truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Kiên Giang nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung, đã được xác lập từ những ngày mở đất. Nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đầy hy sinh gian khổ, phụ nữ Kiên Giang đã góp phần quan trọng cùng quân dân trong tỉnh, quân dân cả nước giành lấy thắng lợi vẻ vang. Quyết tâm theo Đảng, không khuất phục trước lưỡi lê, họng súng hay âm mưu xảo quyệt của kẻ thù lúc khó khăn, ác liệt nhất. Phụ nữ Kiên Giang trong mọi công tác ở các lĩnh vực, xứng đáng cùng phụ nữ miền Nam vinh dự được Bác Hồ kính yêu tặng 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Cũng chính sự hy sinh anh dũng kiên trinh của Hồng Hạnh đã thúc đẩy các cuộc đấu tranh cách mạng tiến thêm một bước mới. Hàng loạt các cuộc đấu tranh liên tiếp đã nổ ra, đồng bào, đồng chí của Chị ở huyện Giồng Riềng và tỉnh Kiên Giang đã trả thù cho Chị. Đại đội ác ôn của tên Võ Văn Sang đã đền tội sau đó không lâu. Hồng Hạnh thực sự là hiện thân những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ sau chị noi gương theo và phát huy.
Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Thị Nương tọa lạc tại Khu phố Nội ô Thị trấn Giồng Riềng, có tổng diện tích 559 m2, trong đó phần xây dựng nhà bia là 162 m2. Mặt chính Nhà bia nằm về hướng Tây Nam, vật liệu xây dựng bằng bê tông cốt thép, có dạng hình vuông, cạnh dài 12,7m, cao 11,5m. Nhà bia được thiết kế bằng 04 cột bê tông ốp bằng đá Granic, mái nhà được đổ bê tông, bên trên gắn ngói, thiết kế theo kiểu mái đình, nền Nhà bia lót gạch granic, xung quanh khuôn viên Nhà bia xây dựng các cột bê tông ốp gạch, có lan can cao khoảng 1m để tạo thành hàng rào của Nhà bia, nền sân lót gạch tự chèn.
Hàng năm, vào ngày 12/10, Đảng bộ và Nhân dân huyện Giồng Riềng tổ chức Lễ kỷ niệm ngày hy sinh của liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương. Năm 2016, là năm Thứ tư tổ chức Lễ kỷ niệm ngày hy sinh của anh hùng LLVTND Mai Thị Nương, sự kiện mang tính chất Lễ hội cấp huyện. Nhiều hoạt động diễn ra phong phú, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia, trong đó có một số hoạt động mới, nổi bật như: Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc; Giải đua Ghe ngo nam - nữ phối hợp; Hội trại ẩm thực và trưng bày các đặc sản Giồng Riềng; Giải Taekwondo cấp tỉnh tại huyện Giồng Riềng trong chuỗi các hoạt động chào mừng năm du lịch Quốc gia 2016 Phú Quốc - Đồng Bằng Sông Cửu Long,… Phần Lễ dâng hương được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, ý nghĩa, thể hiện sự tôn vinh của Đảng bộ, dân và quân Giồng Riềng đối với các anh hùng liệt sĩ nói chung và nữ anh hùng LLVTND Mai Thị Nương nói riêng. Thông qua tổ chức Lễ hội nhằm giúp cho mọi người biết đến tấm gương anh dũng hy sinh anh hùng LLVTND Mai Thị Nương (Hồng Hạnh), tạo được sự uy tín, vị thế mới cho huyện Giồng Riềng, được nhiều người biết đến con người và quê hương, về phát triển kinh tế, xã hội, các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống đấu tranh của Đảng bộ, dân và quân Giồng Riềng. Đồng thời, vận động tài trợ, ủng hộ kinh phí gây “Quỹ vì người nghèo” và “Quỹ học bổng Mai Thị Nương” được các Công ty, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia, năm sau cao hơn năm trước.