Skip Navigation LinksChiTiet

Tài nguyên môi trường

Xem với cỡ chữAA

Cần thận trọng với bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa Thu đông 2017

(2017-07-05 09:47:00)

Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông 2017, đến ngày 26/6/2017 huyện Giồng Riềng đã gieo xạ được 24.742 ha/37.000 ha đạt 66,87% kế hoạch (trong này diện tích gieo sạ trước lịch là 6.949 ha). Qua khảo sát một số cách đồng, rầy nâu xuất hiện với mật số cao và có khả năng mang theo virus vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) gây hại cho lúa. Theo báo cáo của các Trạm chuyên môn có 541 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn, 765 ha nhiễm bù lạch, 615 ha nhiễm rầy nâu, trong đó có khoảng 140 ha nghi bị nhiễm VL-LXL (đang gửi mẫu đi kiểm nghiệm), tập trung ở các xã Ngọc Thành, Thạnh Hưng, Hòa An và Ngọc Hòa, mức độ gây hại khoảng 10%, chủ yếu những trà lúa gieo xạ sớm, không đúng lịch thời vụ.

Ảnh thăm đồng 2.JPG

Nguyên nhân chính dịch rầy nâu và VL-LXL xuất hiện là do các xã chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ lịch thời vụ, người dân gieo xạ liên tục, không cách vụ, không vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ không tốt, nhiều đối tượng dịch bệnh của vụ Hè thu 2017 lưu truyền qua lúa Thu Đông 2017, tập quán canh tác sạ dày, bón nhiều phân đạm….

Trước tình hình trên, UBND huyện Giồng Riềng đã chủ động chỉ đạo các phòng ban chuyên môn cấp huyện phối hợp với các trạm chuyên môn đóng trên địa bàn và UBND các xã vận động bà con thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời những diện tích lúa Thu Đông 2017 bị nhiễm bệnh VL-LXL để có hướng quản lý thích hợp, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn cho người dân kỹ thuật chăm sóc lúa Thu đông theo quy trình “1 phải 5 giảm”, biện pháp xử lý ngộ độc hữu cơ, bón phân cân đối và hợp lý, không bón thừa phân đạm, quản lý nước theo quy trình khô ướt xen kẽ…

Đối với diện tích chưa gieo xạ cần kiên quyết chỉ đạo, khuyến cáo người dân lựa chọn giống kháng rầy, gieo sạ theo lịch thời vụ để né rầy và bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa, để cắt mầm bệnh không để lây lan sang vụ đông xuân 2017-2018, đẩy mạnh áp dụng các mô hình sản xuất “3 giảm-3 tăng”, “1 phải-5 giảm” trong sản xuất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất và quản lý tốt đối tượng dịch hại trên cây lúa.

Ảnh thăm đồng 1.JPG

Theo kinh nghiệm của các nhà khoa học, thì chu kỳ bệnh VL-LXL sau 10 năm sẽ quay lại (vào năm 2016 huyện Giồng Riềng có diện tích VL-LXL bị nhiễm khá lớn), do đó yêu cầu bà con nông dân hết sức quan tâm, đối với diện tích nghi bị nhiễm VL-LXL trên lúa với mật số thấp, bà con có thể dùng tay để nhổ bỏ và tiêu hủy tập trung, hạn chế tình trạng rầy nâu hút chích cây lúa đã nhiễm bệnh và truyền vi rút gây bệnh VL-LXL sang các trà lúa khác, đối với lúa đã bị nhiễm VL-LXL thì không có loại thuốc nào để chửa trị, do đó cần phải lựa chọn một số loại phân bón lá cho phù hợp nhằm giúp cho những cây lúa không bị bệnh sẽ phát triển tốt hơn, hoặc những chồi vô hiệu sẽ trở thành hữu hiệu, bông to hơn, số hạt nhiều hơn, có thể cho năng suất khá tốt.

Tin, ảnh: Dương Vy
EMC Đã kết nối EMC